Tin tức

Doanh nghiệp logistics muốn tiêm vaccine cho lao động tránh đứt gãy chuỗi cung ứng
Nhiều doanh nghiệp logistics trên địa bàn TP. Đà Nẵng mong muốn được tiêm vaccine sớm cho người lao động để tránh đứt gãy trong chuỗi dịch vụ logistics, dòng luân chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh.

 

Đề xuất ưu tiêm vaccine cho lao động ngành logistics 

Trước tình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay có khả năng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, làm xáo trộn đứt gãy trong chuỗi dịch vụ logistics, ảnh hưởng đến dòng luân chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp logistics trên địa bàn TP. Đà Nẵng mong muốn thành phố ưu tiên tiêm vaccine sớm cho người lao động trong ngành này. 

Theo ông Trần Phước Hồng, Giám đốc Công ty Danalog Đà Nẵng, logistics là ngành cung ứng hàng hóa giữa các địa phương. Do đó, ngành logistics cần được tiêm vaccine phòng COVID-19. Trước tình trạng trên, ngoài thành phố, các doanh nghiệp ngành logistics cũng được Bộ Công thương quan tâm và đã có văn bản hỏa tốc ưu tiên cho các doanh nghiệp ngành này.

“Công ty cũng đã làm đơn xin UBND thành phố và CDC TP. Đà Nẵng được tiêm cho người lao động. Tuy nhiên, do nguồn vaccine phòng COVID-19 hạn hẹp, công ty cũng chỉ biết chờ đợi và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, để tránh đứt gãy chuỗi vận chuyển”, vị Giám đốc công ty Danalog Đà Nẵng chia sẻ.

Ông Trần Phước Hồng cho biết thêm, trước tình trạng nguồn vaccine phòng COVID-19 hạn hẹp, chưa thể tiêm cho người lao động, công ty luôn phải thực hiện nghiệm các biện pháp 5k của bộ y tế và tăng cường sức khỏe cho cán bộ nhân viên. Bên cạnh đó, người lao động phải cam kết với công ty về việc di chuyển từ nhà đến cơ quan và ngược lại. Trường hợp, người lao động đi lộn xộn gây lây lan dịch bệnh sẽ bị kỷ luật. 

tiem-vaccine

Đà Nẵng triển khai tiêm vaccine cho đối tượng ưu tiên.

Tương tự, ông Tô Văn Hiệp, Giám đốc Công ty Green Liên Chiểu Logistics, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng cho hay, hiện nay, lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng đang quan tâm và hết sức lo lắng về vấn đề này. Bởi thành phố cũng đang dè dặt đối với cánh lái xe trước dịch bệnh COVID-19. Và đây cũng là ngành để bị đứt gãy chuỗi vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, thành phố cần phải tìm nguồn vaccine phòng COVID-19, đồng thời mở rộng đối tượng tiêm vaccine cho lao động ngành logistics.

“Những người hoạt động trong ngành logistics thường là người dễ tiếp cận các nguồn lây từ các nơi. Do vậy, cần phải đưa ngành lolistics vào diện ưu tiên ngang bằng với ngành hàng hóa”, ông Tô Văn Hiệp nhận định.

Theo ông Tô Văn Hiệp, hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang cần nguồn vaccine phòng COVID-19, để tiêm cho người lao động, nhưng khó tiếp cận được nguồn vaccine của thành phố.

“Hiệp hội hiện chỉ đại diện cho khoảng từ 30-60 doanh nghiệp hội viên, trong khi đó ở Đà Nẵng lại có khoảng trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong vận tải hàng hóa. Vì vậy, chúng tôi không thể gánh vác. Bên cạnh đó, tôi kiến nghị những doanh nghiệp này tham vào hiệp hội để được bảo vệ quyền lợi”, ông Hiệp kiến nghị. 

Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất áp dụng quy tắc vận tải an toàn phòng dịch COVID-19, ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lái xe để giảm thiểu sự rủi ro ảnh hưởng của dịch đến hoạt động vận tải, logistics liên quan đến đời sống nhân dân và đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu cho quốc gia, góp phần sớm giải tỏa tắc nghẽn vận tải hàng hoá từ phía Bắc đến phía Nam. 

Ngoài các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng đã đề xuất UBND TP. Đà Nẵng được ưu tiên tiêm vaccine để, đảm bảo an toàn, duy trì sản xuất trong thời gian tới. Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng cho biết, Hiệp hội đã có đề xuất, tờ trình gửi UBND TP. Đà Nẵng, đồng thời cũng liên hệ làm việc với lãnh đạo thành phố về việc tiêm vaccine cho người lao động. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề vaccine đang khan hiếm nên địa phương phải làm theo chỉ thị của Thủ tướng và Bộ Y tế, trước mắt vẫn phải ưu tiên cho những nơi điểm nóng vùng dịch như TP.HCM.

Đà Nẵng khẩn trương tiêm vaccine

Theo Sở Y tế TP. Đà Nẵng, tính từ đầu tháng 3/2021, Sở Y tế được Bộ Y tế phân bổ 8 đợt với 185.450 liều, bao gồm: 112.400 liều Astra Zeneca, 67.200 liều Moderna, 5.850 liều Pfizer. Trong đó, Sở đã tiếp nhận được 97.850 liều. Tổng số mũi tiêm là 58.329, đạt tỷ lệ 67%. Dự kiến đến 18/8, Sở sẽ hoàn thành tiêm 100% lượng vaccine tiếp nhận từ Bộ Y tế. Bệnh viện C Đà Nẵng tiếp nhận 6.360 liều và đã tổ chức tiêm cho các cơ quan, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố. 

Trên cơ sở các đối tượng được Chính phủ, Bộ Y tế quy định, TP. Đà Nẵng đã xác định đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19 trong giai đoạn 2021-2022 gồm: Toàn bộ người dân trên địa bàn thành phố trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Trong đó, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế, bao gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân); người tham gia phòng chống dịch; lực lượng quân đội, công an, nhân viên ngoại giao; nhân viên làm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước; giáo viên, học sinh, sinh viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục đào tạo; các ngành thường xuyên tiếp xúc với nhiều người...

Tiếp đến là những người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi, người sinh sống tại các vùng có dịch, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội. Những người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài, hoặc có nhu cầu xuất cảnh để học tập, lao động, chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sắc đẹp, dược, vật tư y tế, cơ sở bán lẻ, bán buôn ở chợ, công trình xây dựng, người lao động tự do...

Theo Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, nếu lượng vaccine được Bộ Y tế phân bổ về kịp thời, ngành y tế sẽ triển khai tiêm đồng loạt cho tất cả người dân trên địa bàn thành phố trong vòng 2-2,5 tháng. Hiện nay, Sở Y tế đã tham mưu UBND thành phố thiết lập 10 địa điểm tiêm chủng trên địa bàn, với 100 điểm tiêm chủng. Như vậy, tổng công suất có thể thực hiện tiêm chủng cho khoảng 20.000 người/ngày.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn sẽ chia thành nhiều đợt. Ngành Y tế căn cứ từng đợt vaccine, bám sát yêu cầu về đối tượng, địa điểm tiêm chủng, nguồn nhân lực triển khai... Đặc biệt, các bệnh viện và các đơn vị, quận huyện phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, đảm bảo giãn cách và trật tự an ninh; lưu ý các phương án cấp cứu sẵn sàng, với số lượng trang thiết bị y tế đảm bảo yêu cầu. 

Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP. Đà Nẵng khoá X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra và ngày 12/8, Bí Thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, thành phố đang tìm mọi cách đưa nguồn vaccine về để tiêm phòng cho người dân, gồm cả nguồn từ Trung ương cấp và liên hệ từ nước ngoài. Nhưng do vấn đề vaccine là loại hàng hóa đặc biệt và khan hiếm trên toàn thế giới; các quốc gia, các hãng sản xuất chỉ chấp nhận đàm phán thông qua Chính phủ và không chấp nhận các điều kiện ràng buộc, nên thành phố vẫn phải dựa vào nguồn cấp phát của Bộ Y tế.

"Với sự cố gắng của lãnh đạo thành phố, đến nay, thành phố đã được cấp gần 200 ngàn liều và đang triển khai tiêm phòng khẩn trương nhưng phải đảm bảo an toàn, đúng đối tượng. Đồng thời, từ nay đến cuối năm 2021 thành phố sẽ được cấp đủ hơn 1,5 triệu liều để tiêm đủ cho người dân thành phố trong độ tuổi. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung từ ngước ngoài", ông Quảng cho hay.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng mong cử tri và nhân dân thành phố chia sẻ với những khó khăn khách quan về nguồn vaccine, tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch như hiện nay.

THÀNH VÂN - PHƯỚC NGUYÊN

Tin liên quan